Trang

Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

Bộ sưu tập trang sức của phụ nữ Đông Sơn


Triển lãm Trang sức phụ nữ các dân tộc Việt Nam – từ truyền thống đến hiện đại đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) hé mở nhiều điều thú vị về trang sức phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Bộ sưu tập độc đáo
Hơn một nghìn hiện vật độc đáo được giới thiệu tại triển lãm là trang suc của phụ nữ Việt Nam qua các thời Phùng Nguyên, Đông Sơn, 10 thế kỷ sau Công nguyên đến các đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn cùng ảnh và hình tượng phụ nữ các dân tộc Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay… Đó cũng là hơn một nghìn hiện vật văn hóa – lịch sử – nghệ thuật, hơn một nghìn đường nét tô điểm trên bức chân dung người phụ nữ Việt qua nhiều thế kỷ.

Khách tham quan ngỡ ngàng trước bộ sưu tập vòng tay bằng đá từ cách đây 3.000 – 3.500 năm với nhiều hình thù, kiểu dáng. Mặt đá ngoài khá mịn, màu xanh rêu, màu gốm… Một số chiếc vòng tay có kích thước khá lớn, dày đến 4, 5 cm, nặng chừng 200 – 300 gam, tạo hình bởi những đường khoáy, mài nước… hết sức tinh xảo, hầu như không có một vết gờ, một lỗi nhỏ… Còn bộ khuyên tai bằng đá bán quý có niên đại 2.000 – 2.500 năm, gồm 70 – 80 chiếc, hình đường tròn không khép kín với đủ kích cỡ. Vòng khuyên có bản tròn, dày hoặc dẹt, rộng từ 3 – 6 mm, chiếc lớn nhất, bản rộng có thể đến 12 – 13 mm. Những vòng khuyên đá rất lớn hẳn đã gắn với tục căng tai của một số dân tộc. Nhiều chiếc vòng khuyên tròn, xinh như những bông hoa nhỏ bằng đá: xanh rêu, trắng, ngà (mỗi khuôn màu lại có nhiều sắc độ khác nhau)…

Gia tài phong phú của phụ nữ Đông Sơn
Bộ sưu tập trang sức Đông Sơn hấp dẫn đặc biệt với những sản phẩm tinh tế của một nền văn hóa rực rỡ. Một bộ trang sức đồng phong phú chưa từng thấy: từ đai đầu, trâm cài đầu đến vòng cổ, vòng tay, bao tay, vòng chân, bao chân, đai áo, gương đồng… Đai đầu có bản rộng, bao gồm hai nửa vành, một đầu có khuy móc lớn để liên kết hai nửa vành với nhau. Những chiếc đai đầu gắn lông chim là món trang sức quý giá, sang trọng trong những dịp lễ tết, hội hè, những hội nhảy múa, ca hát… Ấn tượng trong trang sức Đông Sơn còn ở những chiếc bao tay, bao chân có gắn những quả chuông nho nhỏ.

Rất đẹp và sống động là những chiếc trâm cài đầu có 3 nhánh lược dài, đầu trâm cài có hình cong như dáng chim bay, ở giữa là hình người nhảy múa. Nhưng những chiếc khuy áo mới là điểm nhấn bất ngờâ nhất. Thân khuy có hình dáng cong mềm mại, hai đầu uốn lại rất khéo hướng vào phía trong thân khuy, hoặc thon dần và tận cùng đường lượn lại hướng ra phía ngoài, ở giữa gắn một khuy móc tròn. Đặc biệt, một chiếc khuy đai áo lớn dài đến 13 – 14 cm, có lẽ của một chiếc áo quý tộc, hoặc một chiếc áo khoác lớn trong mùa rét. Phụ nữ Đông Sơn đã gắn những chiếc khuy áo lớn như vậy theo cách nào, kiểu nào… đó vẫn còn là một ẩn số.
Người phụ nữ thế kỷ XVI – XVII hẳn đã rất tự hào về những chiếc gương đồng. Hàng chục chiếc gương được giới thiệu tại triển lãm, không có cái nào trùng nhau về kiểu dáng, kích cỡ và cấu trúc thẩm mỹ: vuông, tròn, tròn có tay cầm hình chữ nhật, dài, mảnh, hình bông hoa, cách điệu hoặc mang ý nghĩa biểu tượng như hình mặt trăng, lại có những chiếc gương hoàn toàn là những phiến đồng tròn, dày, bề mặt trơn bóng. Gương của phụ nữ quý tộc thường có kích thước lớn hơn. Hoa văn trang trí đa dạng, hoặc là chữ tượng hình, đúc nổi, có núm cầm nhỏ ở giữa…

Nhà giáo – Nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành không giấu nổi sự ngạc nhiên và xúc động: “Từ hàng nghìn năm trước, những người phụ nữ Việt đã là những nhà chế tác hoặc là chủ nhân của những đồ trang sức đẹp và tinh xảo kỳ diệu”. Chị Sophia, một khách tham quan người Hungaria, trầm trồ: “Đó là những bộ trang sức rất tuyệt mà người phụ nữ cùng kỳ lịch sử xa xưa ở nhiều dân tộc khác hẳn đã ghen tị”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét